Lượt xem: 1620

Tiềm năng phát triển mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp nhựa

Bên cạnh con tôm nước lợ, cua biển là một trong những đối tượng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở các địa phương thuộc vùng ven biển của tỉnh Sóc Trăng, trong đó có thị xã Vĩnh Châu. Dù vậy, khó khăn trong vấn đề quản lý dịch bệnh hay chăm sóc, cho ăn... khiến nghề nuôi vẫn còn mang tính “may rủi” cao, điều này đòi hỏi cần thiết phải có sự cải tiến về quy trình nuôi. Trước thực tế này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu triển khai thí điểm mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp nhựa, nhằm tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả nghề nuôi, mang đến nguồn cua thương phẩm đạt chất lượng tốt nhất.

 


Mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp nhựa của anh Du Quốc Bảo 

 

    Mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp nhựa được triển khai thí điểm tại hộ anh Du Quốc Bảo ở ấp Năm Căn, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu với diện tích 0,4 ha. Tham gia mô hình, hộ nuôi sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ chi phí về con giống, hộp nhựa và thức ăn theo hình thức đối ứng 50-50. Theo đó, sau khi xử lý độ kiềm và khử phèn môi trường ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, cua giống được tiến hành thả nuôi giai đoạn 1 với mật độ 4 con/m2. Sau 2 tháng nuôi, khi cua đạt trọng lượng từ 50 -70 gram/con, sẽ bắt đầu được chọn lọc theo tỷ lệ lên gạch, rồi chuyển dần sang nuôi giai đoạn 2 - nuôi trong hộp nhựa.

    Anh Du Quốc Bảo cho biết: “Cứ 10 hộp thì tôi sẽ nối lại để cho vô 1 dây, xong rồi mang xuống nước. Nếu như có phao, tôi sẽ cho nó nổi lên mặt nước, còn nếu kích cỡ lớn thì phải làm giàn cây và đặt dưới ao theo tỷ lệ khoảng 80% dưới nước, 20% nằm trên mặt nước cho cua thở. Nếu có điều kiện thì làm giàn mát phía trên để nắng không bị chói xuống quá nhiều, làm nước bị nóng ảnh hưởng đến cua”.

    Điểm đặc biệt của mô hình là phần diện tích còn lại trong ao nuôi còn được anh Bảo tận dụng để thả nuôi thêm cá rô phi - đây cũng là nguồn thức ăn chính bổ sung dinh dưỡng cho cua, bên cạnh thức ăn công nghiệp. Nhờ nguồn thức ăn tại chỗ đã giúp hộ nuôi tiết kiệm được một phần chi phí sản xuất, đồng thời không còn lo lắng về việc khan hiếm nguồn cá tươi phục vụ nghề nuôi. Ưu điểm nổi bật của mô hình là nhờ nuôi riêng biệt theo từng hộp nên tỷ lệ sống của cua sẽ cao. Vấn đề để quản lý thức ăn và rủi ro dịch bệnh cũng thuận lợi hơn rất nhiều so với hình thức nuôi thả lan trong ao như thời gian trước, nhờ vậy, năng suất và chất lượng cho thịt đều cải thiện hơn. Nếu trung bình, mỗi ha nuôi cua thả lan chỉ đạt năng suất khoảng 1 tấn, thì với quy trình nuôi trong hộp nhựa, năng suất cua đã đạt từ 720 kg/0,4 ha. Với giá bán dao động từ 220 - 250 ngàn đồng/kg, mang đến lợi nhuận là 37 triệu đồng cho hộ nuôi, sau khi đã trừ chi phí. Anh Bảo cho biết thêm: “Nuôi trong hộp tôi cho ăn 1 ngày 2 cử, gồm thức ăn công nghiệp và nguồn cá tươi là cá rô phi. Còn nuôi cua thả lan thì hầu như thả đó, ít cho ăn nên năng suất, chất lượng không được như mong muốn. Cua khi lên hộp từ 10 đến 20 ngày là có thể xuất bán với trọng lượng mỗi con đạt từ 360 gram”.

    Toàn thị xã Vĩnh Châu hiện có khoảng 1.500 ha nuôi cua biển. Hầu hết diện tích đều là nuôi thả lan trong ao với mật độ thưa nên hiệu quả kinh tế chưa đạt được như mong muốn. Mặc dù được thực hiện thí điểm với diện tích khá khiêm tốn, nhưng với hiệu quả bước đầu mang lại, mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp nhựa sẽ là phương thức sản xuất được thị xã Vĩnh Châu hướng đến, nhằm giúp nông dân tiếp cận với quy trình nuôi tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất, cải thiện hiệu quả kinh tế.

    Kỹ sư Lý Chí Hiếu - Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu thông tin: “Khi nuôi trong hộp chúng ta sẽ tránh được tình trạng cua ăn thịt lẫn nhau, làm không đạt đầu con. Bên cạnh đó, khi nuôi trong hộp thì việc chăm sóc, quản lý cũng sẽ dễ dàng hơn. Sắp tới, về phía Trạm Khuyến nông thị xã sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho từng xã, phường ở địa phương để bà con có thể áp dụng nuôi rộng rãi hơn”.

    Con tôm sú và tôm thẻ chân trắng đã khẳng định tính hiệu quả, nhưng độ rủi ro vẫn còn cao. Chính vì vậy, việc đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản cho vùng mặn, lợ như mô hình nuôi cua biển được xem là hướng đi phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc duy trì và mở rộng diện tích, sự cải tiến về quy trình nuôi theo hình thức nuôi cua trong hộp nhựa nếu được áp dụng rộng rãi sẽ là giải pháp phát triển mang tính bền vững cho nghề nuôi cua biển thương phẩm nói riêng và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng nói chung, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 105
  • Hôm nay: 7872
  • Trong tuần: 78,579
  • Tất cả: 11,801,899